Mất Ngủ theo góc nhìn Đông Y

Khái niệm Mất Ngủ theo Đông Y

Ngủ là một hoạt động sinh lý bình thường của con người cũng như các loài sinh vật khác để giúp cơ thể có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi và phát triển sau những giờ hoạt động. Trung bình một người lớn bình thường ngủ từ 7- 8 tiếng/ngày trong đó giấc ngủ phải đảm bảo đủ về thời gian, đủ sâu và cảm thấy thỏa mái khỏe khoắn sau khi thức dậy.

Mất Ngủ hay Chứng Ngủ Kém là một rối loạn giấc ngủ phổ biến, có thể bao gồm ngủ khó vào giấc, ngủ không sâu giấc, dễ tỉnh giấc, thức dậy quá sớm, khó ngủ lại và có thể cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy.

Trong.các sách kinh điển của Đông y đã có đề cập đến vấn đề mất ngủ với những tên gọi khác nhau. Chứng này trong sách Nội Kinh có các tên Mục Bất Mính, Bất Đắc Miên, Bất Đắc Ngọa. Sách Nạn Kinh đầu tiên gọi là Bất Mị. Sách Trung Tàng Kinh gọi là Vô Miên. Sách Ngoại Đài Bí Yếu gọi là Bất Miên. Sách Thánh Tế Tổng Lục gọi là Thiểu Thụy. Sách Thái Bình Huệ Dân Hòa Tễ Cục Phương gọi là Thiểu Mị. Sách Tạp Bệnh Quảng Yếu gọi là Bất Thụy. Thông thường hay gọi là Thất Miên.

Sinh lý của giấc ngủ theo Đông Y

Sách Nội Kinh Linh Khu thiên Vệ Khí Hành viết : “…thời gian bao gồm sáu canh giờ Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân là ban ngày, thuộc tính là Dương,…,thời gian bao gồm sau canh giờ Dậu, Tuất, Hợi, Tý, Sửu, Dần là ban đêm, thuộc tính là Âm. Trong một ngày đêm, Vệ Khí tuần hành trong cơ thể năm mươi vòng, ban ngày vận hành ở phần dương hai mươi lăm vòng, ban đêm vận hành ở phần âm cũng hai mươi lăm vòng, đồng thời vận hành tuần hoàn trong ngũ tạng….Sáng sớm, Vệ Khí kết thúc sự vận hành ở phần âm, khí xuất ra ở mắt, mắt cũng mở ra…Ban đêm, Vệ Khí tuần hành vào phần âm, ban đầu từ kinh Túc Thiếu Âm Thận chảy vào Tạng Thận, từ Thận chảy vào Tâm, từ Tâm chảy vào Phế, từ Phế chảy vào  Can, từ Can chảy vào Tỳ, từ Tỳ vào vào Thận tạo thành một vòng. Số vòng mà Vệ Khí vận hành ở phần Dương vào ban ngày bằng số vòng vận hành ở phần Âm vào ban đêm, đều là hai mươi lăm vòng…Sau khi đi được đủ hai mươi lăm vòng tuần hoàn trong phần Âm, Vệ Khí sẽ đi ra từ khóe mắt trong và đi vào phần Dương”.

Sách Nội Kinh Linh Khu thiên Dinh Vệ Sinh Hội viết : “Quá trình vận hành tuần hoàn của Vệ Khí là ban đêm vận hành hai mươi lăm vòng trong Nội Tạng, ban ngày vận hành hai mươi lăm vòng ở Kinh Dương, từ đó phân ra ngày và đêm. Khi Vệ Khí vận hành ở Kinh Dương, con người sẽ tỉnh dậy hoạt động; ban đêm Vệ Khí vận hành trong Nội Tạng, cơ thể sẽ ở trạng thái ngủ….Âm Lũng là lúc Âm Khí thịnh nhất vào ban đêm, quá nửa đêm thì âm khí bắt đầu suy, khi bình minh Âm Khí suy đến tận cùng, còn Dương Khí thì ngày càng thịnh. Dương Lũng là lúc Dương Khí thịnh nhất vào buổi trưa, khi mặt trời xuống núi thì Dương Khí suy dần, đến lúc hoàng hôn thì Dương Khí suy đến tận cùng, còn Âm Khí thì ngày càng thịnh. Lúc nửa đêm, Dinh Khí và Vệ Khí đều vận hành ở phần âm, đúng lúc hai khí giao hội với nhau, lúc này mọi người đều đã ngủ, nên gọi là Hợp Âm. Đến lúc bình minh, Vệ Khí của Nội Tạng toàn bộ suy kiệt, còn Vệ Khí trong Kinh Dương bắt đầu tuần hành. Sự tuần hoàn này giống như quy luật của Nhật Nguyệt Trời Đất.”.

Như vậy, có thể thấy, quá trình Thức – Ngủ của con người cũng như muôn vật chính là một hình thức biểu hiện của quy luật Âm – Dương: Có động có tĩnh, có ngoài có trong, có tiêu thụ, có tích lũy,… Quá trình này diễn ra nhịp nhàng theo đúng quy luật của Vũ Trụ sẽ khiến cho chúng ta duy trì được một thân thể khỏe mạnh và một tinh thần minh mẫn.

Cơ chế bệnh sinh của Mất Ngủ theo Đông Y

Theo Đông Y, có hai trường hợp tổng quan của Mất Ngủ, một là do Hư Chứng, hai là do Thực chứng.

Sách Nội Kinh Linh Khu thiên Dinh Vệ Sinh Hội viết : “Người trẻ khỏe có Khí Huyết dồi dào, thịnh vượng, cơ bắp nhuận hoạt, khỏe mạnh, Khí Đạo thông suốt, sự vận chuyển của Dinh Khí và Vệ Khí có thể tiến hành bình thường, nên ban ngày Tinh Lực dồi dào, ban đêm ngủ cũng ngon. Còn người già thì Khí Huyết đều suy, cơ thịt khô, nên Khí Đạo tắc nghẽn khó hành, Khí Ngũ Tạng không thể thông suốt điều hòa, Dinh Khí suy giảm, Vệ Khí đi vào quấy nhiễu, Dinh Vệ không thể điều hòa và vận hành bình thường, nên ban ngày Tinh Lực không đủ, ban đêm không thể ngủ yên.”

Sách Nội Kinh Linh Khu thiên Đại Hoặc Luận viết: “Vệ Khí ban ngày vận hành đến phần Dương, con người sẽ giữ được sự tỉnh táo, ban đêm đi vào phần Âm, con người sẽ ngủ được. Nếu Vệ Khí không thể đi vào phần Âm mà lưu lại lâu dài ở phần Dương, thì sẽ khiến Dương Khí ở phần Dương thịnh đầy, mạch Dương Kiểu theo đó sẽ thịnh vượng. Vệ Khí không thể đi vào phần âm, sẽ dẫn đến Âm Khí hư, Âm Khí hư thì Dương Khí không thể thu liễm, nên con người không thể ngủ được”.

“Người già” được đề cập trong đoạn Y văn thứ nhất ngoài nghĩa chỉ những người tuổi tác cao, các chức năng của cơ thể đều giảm sút, thì có thể hiểu rộng ra là những người có thể chất suy nhược, Khí Huyết bất túc, Ngũ Tạng vận hành khó khăn. Những người này không nhất thiết phải cao tuổi. Thậm chí có những người ở tuổi thanh niên nhưng cũng có đặc điểm thể chất giống như một người trung niên. Người xưa mặc dù không có điều kiện dinh dưỡng tốt như hiện nay, tuy nhiên người thời nay lại có chế độ làm việc và sinh hoạt thất thường hơn người thời xưa. Chúng ta có xu hướng ăn uống nhiều đồ chế biến sẵn, rượu, bia, đồ béo ngọt, lười tập thể dục… Đây đều là các lý do khiến cho cơ thể rơi vào suy nhược.

Đoạn Y văn thứ hai đề cập đến vấn đề Vệ Khí không về đi vào phần âm vào ban đêm, khiến cho chúng ta cứ thao thức mãi không ngủ được. Điều này có thể là do Dinh Âm bị hư tổn khiến cho không giữ được Vệ Dương, nhưng cũng có thể là do Vệ Dương bị kích thích quá độ khiến cho Dinh Âm không kiềm tỏa được. Trong đời sống hiện đại ngày nay, điều này thường xuyên xảy ra khi chung ta có xu hướng lạm dụng các chất kích thích và các chất gây nghiện; thức khuya, làm việc nhiều giờ trước máy tính, điện thoại; có nhiều loại áp lực từ gia đình, xã hội khiến chúng ta rơi vào tình trạng phẫn uất.

Trong Đông y có quan điểm “Ngũ Lao Thất Thương”. Ngũ Lao là là năm điều gây lao nhọc cho cơ thể, bao gồm: Nhìn lâu làm tổn thương máu (cửu thị thương huyết), nằm lâu làm tổn thương khí (cửu ngọa thương khí), ngồi lâu làm tổn thương thịt (cửu tọa thương nhục), đứng lâu làm tổn thương xương (cửu lập thương cốt), đi nhiều làm tổn thương gân (cửu hành thương cân). Thất Thương là bẩy điều làm tổn thương cơ thể, bao gồm: Ăn uống quá no làm tổn thương tỳ (đại bão thương tỳ), tức giận quá nghịch khí làm tổn thương gan (đại nộ khí nghịch thương can), cố sức mang vác vật nặng, ngồi lâu ở chỗ ẩm thấp gây tổn thương thận (cường lực cử trọng, cửu tọa thấp địa thương thận), thân thể nhiễm lạnh lại uống lạnh làm tổn thương phổi (hình hàn ẩm lãnh thương phế), thân thể lao lực, suy nghĩ quá nhiều làm tổn thương thần (hình lao ý tổn thương thần), gió, mưa, lạnh, nóng làm tổn thương hình thể (phong vũ hàn thử thương hình), quá sợ hãi không tiết chế được làm tổn thương ý chí (đại khủng cụ bất tiết thương chí). Có thể thấy rằng, không ít người trong chúng ta thường xuyên bị mắc phải những điều thuộc Ngũ Lao Thất Thương này. Chúng có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó, mất ngủ là một triệu chứng hay gặp.

Phân loại chứng hậu và Điều trị Mất Ngủ theo Đông Y

Từ hai phạm trù chính là Hư và Thực, Đông Y chia nhỏ chứng Thất Miên (Mất Ngủ) ra thành nhiều dạng khác nhau, để rồi từ đó đề ra phương pháp trị liệu thích hợp.

1. Chứng Thất Miên do Tâm Âm khuy tổn

Tâm Âm khuy tổn khiến cho Tâm Dương không có Âm kìm giữ nên vượng lên gây ra biểu hiện khó vào giấc, ngủ hay mộng hoặc tỉnh giấc, đãng trí hay quên, kèm theo đặc điểm của Âm hư như ngũ tâm phiền nhiệt, triều nhiệt, đạo hãn, lưỡi đỏ khô, mạch tế sác.

Trường hợp này cần phải dưỡng tâm an thần.

2. Chứng Thất Miên do Tâm Thận bất giao

Bình thường Tâm Hỏa đi xuống, Thận Thủy đi lên, hai khí giao nhau thì con đường Khí Hóa được vận hành thông suốt, hoạt động tạng phủ được phối hợp nhịp nhàng, tuy nhiên, khi Thận Thủy bất túc, Chân Âm không thăng dẫn đến Tâm Hỏa không bị chế ngự, gây ra mất ngủ. Đặc điểm của chứng này là biểu hiện Âm Hư nghiêm trọng hơn so với chứng trên, với triệu chứng đa phần là cả đêm trằn trọc, trăn trở, kèm theo các đặc điểm của Thận Âm Hư như đầu váng, tai ù, lưng gối yếu mỏi, di tinh, hoạt tinh.

Điều trị chứng này cần phải tư Thận Thủy, giáng Tâm Hỏa, làm cho Tâm Thận giao thông.

3. Chứng Thất Miên do Tỳ hư

Chứng này nguồn gốc là do Tỳ hư yếu dẫn đến nguồn sinh hóa khí huyết bất túc, huyết không đủ dưỡng Tâm nên Tâm Thần bất an dẫn đến khó ngủ. Yếu điểm biện chứng ở đây là ngoài các biểu hiện khó ngủ còn có những chứng trạng của Huyết Hư như: Hồi hộp hay quên, chân tay mỏi mệt, tinh thần ủy mị, sắc mặt kém tươi, ăn kém ngon.

Trường hợp này có thể dùng phép kiện Tỳ dưỡng Huyết an Thần.

4. Chứng Thất Miên do Đởm Khí hư khiếp

Chứng Thất Miên do Đởm Khí hư khiếp thường do sợ hãi đột ngột, khí hãm, Đởm Khí bị tổn thương dẫn đến mất khả năng quyết đoán, khiếp đảm mà không ngủ được. Yếu điểm biện chứng ở đây là bệnh nhân sợ hãi không dám ngủ một mình, khi ngủ thì dễ giật mình thức giấc, đầu choáng mắt hoa.

Chứng này khi điều trị có thể lựa chọn pháp ôn Đởm, ích Khí, an Thần.

5. Chứng Thất Miên do Can Khí uất kết

Thất Miên có thể do Can Khí uất hóa hỏa gây ra. Can Kinh uất nhiệt là do căng thẳng, cáu giận khiến cho Can mất đi chức năng sơ tiết điều đạt, uất lại lâu ngày hóa hỏa; hoặc do thói quen uống rượu vô độ, thấp nhiệt tích lại tại Can, hỏa nhiệt bốc lên quấy nhiễu Thần Minh, làm cho Thần không yên nên ngủ không ngon, hay mê, dễ tỉnh giấc. Can Khí uất thì phiền táo dễ tức giận, ngực sườn dầy trướng, hay thở dài. Khí uất hóa hỏa thì miệng đắng, mắt đỏ, tiểu tiện vàng, lưỡi đỏ, mạch sác.

Chứng này khi điều trị có thể theo phép thanh Nhiệt, tả Hỏa, an Thần.

6. Chứng Thất Miên do Đàm Nhiệt uẩn trệ

Chứng Thất Miên này là do Đàm Nhiệt kết lại nung nấu quấy nhiễu Tâm Thần. Nguyên nhân có thể do ăn đồ béo ngọt, uống rượu bia vô độ khiến cho Thấp Nhiệt kết tụ thành Đàm, Đàm tích biến thành nhiệt; hoặc cũng có thể là Nhiệt Tà vào lý hun đúc Tân Dịch keo dính thành Đàm, Đàm Nhiệt quấy động Tâm Thần gây nên. Đặc điểm của chứng này là nằm ngủ không yên, hay mê, mộng mị, phiền táo không yên, kèm theo các chứng của Đàm Nhiệt như ngực khó chịu, nhiều đờm, buồn nôn và nôn, miệng đắng mà dính, mạch hoạt sác.

Trường hợp này cần theo phép thanh Nhiệt hóa Đàm an Thần. Có thể lựa chọn phương Hoàng Liên Ôn Đởm Thang điều trị.

7. Chứng Thất Miên do Tâm Hỏa vượng

Không ngủ được do Tâm Hỏa vượng là do lao phiền hại Tâm, Tâm Hỏa vượng lên khiến cho Thần bất an, dẫn đến ngủ hay mê mà thấy trong ngực phiền nhiệt, hồi hộp, sợ sệt; hỏa bốc lên khiến cho mặt đỏ, miệng đắng, miệng lưỡi phá lở. Nhiệt từ Tâm di chuyển xuống Tiểu Trường thì dẫ đến tiểu tiện sẻn ít, sáp trệ mà đau.

Chứng này cần thanh Tâm an Thần.

8. Chứng Thất Miên do Nhiệt nhiễu Hung Cách

Chứng này là do trong Hung Cách có dư Nhiệt, Nhiệt nhiễu khiến cho Tâm Thần bất an, nằm ngồi không yên, mất ngủ, Tâm phiền.

Chứng này khi trị cần thanh Nhiệt trừ phiền.

Có nên sử dụng thuốc ngủ lâu ngày?

Thuốc ngủ (Tây Y) được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu cho những người bị mất ngủ mà không thể tự điều chỉnh được. Tình trạng mất ngủ kéo dài ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Các thuốc an thần gây ngủ thường tác động lên não thông qua một chất dẫn truyền thần kinh gọi là GABA, viết tắt của acid gamma – aminobutyric. GABA có tác dụng làm giảm hoạt động của thần kinh trung ương. Mặc dù các thuốc an thần có cách thức hoạt động khác nhau nhưng đích đến cuối cùng đều làm tăng hoạt tính của GABA và tạo ra cảm giác thư giãn.

Nói một cách dễ hiểu, các thuốc ngủ gây tác dụng bằng cách làm giảm hoạt động của não bộ. Trong Đông Y cũng có các vị thuốc có tác dụng tương đồng, thuộc nhóm Trọng Trấn An Thần (nghĩa là gây an thần một cách cực độ), ví dụ như Chu Sa, Thần Sa,… Hầu hết chúng là các khoáng vật có thể chất nặng và có độc tính.

Theo Đông Y, các thuốc trên có tác dụng kìm hãm và triệt tiêu Dương Khí của cơ thể. Chúng tỏ ra hữu hiệu trong thời gian ngắn, tuy nhiên, nếu việc này diễn ra lâu dài, Dương Khí của cơ thể sẽ bị suy kiệt, và người dùng sẽ phải hứng chịu những hậu quả gây ra do việc Dương Khí suy, ví dụ như rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, tiêu chảy, táo bón), tâm thần bất an (lo lắng thái quá, dễ kích động, bồn chồn), giảm trí nhớ, khả năng tư duy…

Do đó, đứng trên góc độ Đông Y, chúng tôi cho rằng các thuốc gây ngủ không phải là một phương tiện nên sử dụng dài ngày. Chúng ta nên tìm ra những nguyên nhân gốc rễ của vấn đề mất ngủ và xử lý chúng triệt để. Nếu như sử dụng thuốc thì quá trình này nên được cân bằng giữa việc kìm hãm, triệt tiêu và bổ ích, nuôi dưỡng.

Phòng tránh chứng Mất Ngủ

Trong xã hội hiện đại ngày nay, mất ngủ là một chứng không hiếm gặp, không chỉ đối với người già, người trung niên mà còn đối với những người có thói quen sinh hoạt không điều độ, ăn uống thất thường, phải chịu nhiều áp lực. Như đã phân tích ở trên, các yếu tố này đều góp phần khiến cho cơ thể hư nhược, hoặc tinh thần phẫn uất, dẫn đến rối loạn giấc ngủ.

Để phòng tránh chứng Mất Ngủ, nguyên tắc chính là nuôi dưỡng phần Âm Huyết cho dồi dào và điều hòa phần Dương Khí cho lưu lợi. Để làm được việc đó, chúng ta nên chú ý ăn uống điều độ, tập thói quen ngủ đúng giờ, và nên có những giờ phút tập thể thao, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi.

Ngoài ra, các bạn có thể ứng dụng một số phương pháp Đông Y có hiệu quả tốt trong phòng ngừa chứng Mất Ngủ có thể kể đến như day ấn huyệt, massage thư giãn, ngâm chân nước nóng, chườm ấm vùng bụng, thắt lưng.

Nếu có biểu hiện Mất Ngủ tái diễn và kéo dài thì cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn chính xác.

 

Tác giả: Bác sĩ Phạm Ngọc Tân – Dr.Tan Clinic

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *